Thông tin các tuyến Đường_ven_biển_Việt_Nam

Đoạn Móng Cái - Hạ Long:

Bài chi tiết: Quốc lộ 18

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái:

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), tổng mức 11.195,403 tỷ đồng. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thiết kế dài gần 80 km, rộng 25,25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Điểm đầu tiếp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II tại TP Móng Cái. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến TP Móng Cái (Quảng Ninh) tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, là hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tạo thành trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh hoàn chỉnh với chiều dài gần 200 km, đóng góp 1/10 mục tiêu có 2.000 km đường cao tốc mà Chính phủ đặt ra vào năm 2020. Tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái. Hình thành trục cao tốc thông suốt, liên kết các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh và cửa khẩu…, tạo thuận lợi giao thương, đi lại của nhân dân, du khách theo đường bộ.

Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn:

Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, dài gần 60 km, có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn 53,6 km từ điểm giao nhau với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng tại phường Đại Yên, TP. Hạ Long tới Cẩm Hải, TP.Cẩm Phả do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư, với số vốn 12.000 tỷ đồng. Đoạn còn lại, trong đó có cầu lớn nhất trên toàn tuyến – cầu Cẩm Hải, do tỉnh Quảng Ninh đầu tư 1.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách. Theo thiết kế, tốc độ thiết kế của cao tốc là 100 km mỗi giờ, chiều rộng nền đường 24,5m. Tuyến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2018.

Đoạn Hạ Long - Ninh Bình

Đoạn Hải Phòng - Thái Bình

Tổng chiều dài toàn tuyến đường bộ ven biển dài 35,5 km với điểm đầu dự án nối ngã 3 giao ĐT.353 thuộc phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Điểm cuối dự án Km29+706,89 giao với Quốc lộ 37 đang thi công tại lý trình km2+384,15 thuộc xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Tuyến đường có quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Đối với đoạn từ nút giao đường tỉnh 361 (Km4+855) đến cuối tuyến quy mô đường cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Nền đường rộng 12 m gồm 2 làn xe cơ giới, lề gia cố 4m và 1m lề đất. Kết cấu mặt đường loại cấp cao A1. Trên toàn tuyến có 8 cầu, trong đó có 2 cầu lớn, 3 cầu trung  và 3 cầu nhỏ. Khổ thông thuyền tương ứng với sông Thái Bình 40x7 m, sông Văn Úc là 100x25m; tĩnh không vượt đường bộ  là 4,75m.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.460 tỷ đồng

Đoạn qua tỉnh Thái Bình:

Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, tổng chiều dài hơn 34 km.Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Toàn tuyến có tới 12 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diêm Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT. Tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng.

Theo quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt thì đoạn đi qua tỉnh Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa được đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2015.

Đoạn Nam Định - Ninh Bình:

Tuyến đường ven biển Nam Định dài 65 km nhằm kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực đồng bằng Bắc bộ. Dự án có tổng mức đầu tư 2.791 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2020 đến 2024. Điểm đầu dự án tại đê hữu sông Hồng, đê biển Giao Thủy, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy; điểm cuối dự án là bờ tả sông Đáy, đê biển Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tuyến đường đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, thiết kế đồng bộ các công trình trên tuyến bảo đảm phù hợp với quy mô cấp đường.